Năm 2022, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, ngành nông nghiệp đã cán đích ngoạn mục với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 54 tỷ USD. Để đạt được thành tựu này, ngành nông nghiệp đã từng bước thay đổi tư duy từ chạy theo sản lượng chuyển hướng sang chất lượng, chuẩn hóa chất lượng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn cho từng thị trường xuất khẩu.
Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam về những đổi thay trong tư duy kinh tế nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững và có trách nhiệm.
Năm 2022, ngành nông nghiệp đã cán đích ngoạn mục với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 54 tỷ USD. Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả này?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định, biến động do dịch bệnh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí logistics tăng cao, nhưng với sự nỗ lực cao độ, năm 2022, ngành nông nghiệp đã đạt được thành tựu đáng tự hào. Thành tựu đó không chỉ thể hiện qua những con số, mà hơn hết, đó là sự đánh giá rất cao của Đảng và Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp.
Với kết quả này, ngành nông nghiệp đã thể hiện sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ, không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế mà còn đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, đảm bảo việc làm cho hàng chục triệu người lao động ở khu vực nông nghiệp, khu vực dịch vụ, trong bối cảnh nhiều quốc gia bị ảnh hưởng về lương thực, khủng hoảng về sản xuất nông nghiệp.
Đáng chú ý, tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào xã hội. Nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp đã chuyển sang tư duy mới từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị, thay vì chỉ dựa trên tăng trưởng về sản lượng như trước kia, người nông dân cũng như doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu chuyển biến sang tư duy tạo ra giá trị gia tăng, nhận thức được sự quan trọng của việc định vị thị trường, sản xuất theo yêu cầu của thị trường.
Xem thêm: Chứng nhận hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm ISO 22000
Trong năm 2022, ngành nông nghiệp đã mở cửa được nhiều thị trường cho sản phẩm nông sản, trái cây. Nhiều nông sản Việt đã thâm nhập được những thị trường cao cấp, và đó là tín hiệu chứng mình rằng nông sản Việt có thể chinh phục được những thị trường khó tính nhất.
Một điểm đáng chú ý nữa là, tại nhiều vùng trên cả nước đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp tuy quy mô nhỏ nhưng phát huy được giá trị văn hóa bản địa nên đã mang lại giá trị cao. Ví dụ, ruộng bậc thang ở Tây Bắc đã mang lại giá trị cao cho bà con dân tộc nhờ phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng…
Sau rất nhiều năm, đến nay, hạt gạo trái cây Việt Nam bắt đầu có hình hài, tên tuổi trên thị trường thế giới. Tư duy của DN kinh doanh nông sản cũng bắt đầu thay đổi, đây là tín hiệu mừng cho ngành nông nghiệp nước nhà. Bộ trưởng nhận định thế nào về vấn đề này?
Hiện nay, DN đã hiểu được phải hướng đến thị trường cấp cao để mang lại giá trị gia tăng cao hơn, tư duy thị trường đã bắt đầu bén rẽ, chuyển từ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần. Việc DN xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU và Nhật chứng tỏ chúng ta đã thoát khỏi tư duy sản lượng hướng về chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn theo từng thị trường, như thị trường Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc…
Ngành nông nghiệp Việt Nam cam kết phát triển bền vững và có trách nhiệm, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thực tế, mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau, và chúng ta không mặc đồng phục cho tất cả sản phẩm, tất cả thị trường như nhau. Tùy theo yêu cầu của từng thị trường, sẽ hướng dẫn người nông dân để đảm bảo tiêu chuẩn ngay từ khâu chọn giống, ứng dụng quy chuẩn canh tác để chuẩn hóa chất lượng nông sản cho phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường đó.
Một tín hiệu đáng mừng là DN đã dần từ bỏ tư duy buôn chuyến, mang tính chất thương vụ, mà đã định hình thị trường ở tầm lâu dài. Trước kia, khi có đơn hàng, DN mới tiến hành thu mua nông sản. Nay các DN như Lộc Trời, Tân Long và nhiều DN khác đã nhận thức cần xây dụng chiến lược thị trường lâu dài, tạo nguồn nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tư duy đường dài của DN đã dẫn đến tư duy đường dài của người nông dân. Người nông dân trước thương lái đặt hàng loại nào thì làm loại đó, nay dần ổn định thành từng vùng nguyên liệu. Và dần dần đã hình thành một cách tự nhiên sự liên kết giữa DN với người nông dân, hình thành các vùng nguyên liệu ổn định lâu dài. Đã thoát khỏi lời nguyền: nông dân tư duy theo mùa vụ, còn DN tư duy theo thương vụ.
Bước sang năm 2023, Bộ trưởng nhắn nhủ gì đến người nông dân và DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp?
Theo các chuyên gia dự đoán, năm 2023 có thể còn khó khăn hơn, bởi lạm phát toàn cầu sẽ lan đến những khu vực có độ trễ, quy chuẩn của thị trường ngày càng khắt khe hơn, nên chúng ta phải chủ động thích ứng, làm quen với những chuẩn mực của thế giới. Giờ đây, các nhà nhập khẩu thế giới không chỉ đánh giá sản phẩm nông nghiệp qua chất lượng và giá cả sản phẩm, mà qua lăng kính về trách nhiệm xã hội. Họ xem xét quy trình canh tác nông sản có gây ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, gây hiệu ứng nhà kính,… hay không.
Xem thêm: Chứng nhận tiêu chuẩn HACCP
Ví dụ con tôm, con cá không chỉ ngon, rẻ mà quy trình đánh bắt thế nào, có vi phạm luật pháp quốc tế về đánh bắt thủy sản hay không; các nhà nhập khẩu sẽ truy xuất nguồn gốc nông sản để tìm hiểu cà phê, hạt điều,… trồng ở đâu, có phải trồng ở những nơi đã phá rừng để canh tác hay không?
Đó là những sức ép đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. Chúng ta phải hướng đến nền nông nghiệp có trách nhiệm, phát triển bền vững. Nếu chúng ta chủ động thay đổi thì sẽ đỡ khó khăn hơn, bởi sự thay đổi đó là cho chính chúng ta, để giữ gìn tài nguyên cho đời sau.
Trước nông sản Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu thô nên chúng ta còn dư địa trong chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, vấn đề là DN phải dấn thân hơn nữa. Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ hỗ trợ DN đẩy mạnh chế biến nông sản, đa dạng hóa sản phẩm, làm được vậy sẽ giảm thiểu rủi ro về thị trường cho nông sản.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo VietQ
TRUNG TÂM KIỂM ĐỊNH VÀ CHỨNG NHẬN VIỆT NAM