Để giúp nhiều người biết về thủ tục xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật (QCVN), VIETNAM CERT giới thiệu bài viết được viện dẫn ở từ luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006.
Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và ký hiệu quy chuẩn kỹ thuật
Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và ký hiệu quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam bao gồm:
1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ký hiệu là QCVN;
2. Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, ký hiệu là QCĐP.
Trách nhiệm xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật
1. Trách nhiệm xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được quy định như sau:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý;
b) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
c) Chính phủ quy định việc xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mang tính liên ngành và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan thuộc Chính phủ.
2. Trách nhiệm xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương được quy định như sau:
a) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình đặc thù của địa phương và yêu cầu cụ thể về môi trường cho phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thuỷ văn, trình độ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương;
b) Quy chuẩn kỹ thuật địa phương được ban hành sau khi được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Loại quy chuẩn kỹ thuật
1. Quy chuẩn kỹ thuật chung bao gồm các quy định về kỹ thuật và quản lý áp dụng cho một lĩnh vực quản lý hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình.
2. Quy chuẩn kỹ thuật an toàn bao gồm:
a) Các quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến an toàn sinh học, an toàn cháy nổ, an toàn cơ học, an toàn công nghiệp, an toàn xây dựng, an toàn nhiệt, an toàn hóa học, an toàn điện, an toàn thiết bị y tế, tương thích điện từ trường, an toàn bức xạ và hạt nhân;
b) Các quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dược phẩm, mỹ phẩm đối với sức khoẻ con người;
c) Các quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến vệ sinh, an toàn thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học và hoá chất dùng cho động vật, thực vật.
3. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu về chất lượng môi trường xung quanh, về chất thải.
4. Quy chuẩn kỹ thuật quá trình quy định yêu cầu về vệ sinh, an toàn trong quá trình sản xuất, khai thác, chế biến, bảo quản, vận hành, vận chuyển, sử dụng, bảo trì sản phẩm, hàng hóa.
5. Quy chuẩn kỹ thuật dịch vụ quy định yêu cầu về an toàn, vệ sinh trong dịch vụ kinh doanh, thương mại, bưu chính, viễn thông, xây dựng, giáo dục, tài chính, khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khoẻ, du lịch, giải trí, văn hoá, thể thao, vận tải, môi trường và dịch vụ trong các lĩnh vực khác.
Quy hoạch, kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật
1. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật bao gồm quy hoạch, kế hoạch năm năm và kế hoạch hằng năm được lập trên cơ sở sau đây:
a) Yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội;
b) Yêu cầu quản lý nhà nước;
c) Đề nghị của tổ chức, cá nhân.
2. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan có liên quan tổ chức xây dựng, thông báo công khai để lấy ý kiến rộng rãi trước khi phê duyệt.
Cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật và thông báo công khai quy hoạch, kế hoạch đó trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày phê duyệt.
3. Trong trường hợp cần thiết, quy hoạch, kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật được sửa đổi, bổ sung theo quyết định của thủ trưởng cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Việc sửa đổi, bổ sung quy hoạch, kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Căn cứ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật
Quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng dựa trên một hoặc những căn cứ sau đây:
1. Tiêu chuẩn quốc gia;
2. Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài;
3. Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật;
4. Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định.
Quyền của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật
1. Đề nghị, góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật.
2. Biên soạn dự thảo quy chuẩn kỹ thuật để đề nghị cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật xem xét, ban hành.
3. Tham gia biên soạn dự thảo quy chuẩn kỹ thuật theo đề nghị của cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật.
4. Góp ý kiến về dự thảo quy chuẩn kỹ thuật.
Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật
1. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được quy định như sau:
a) Căn cứ kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đã được phê duyệt, cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định tại Điều 27 của Luật này tổ chức việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với sự tham gia của đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, các tổ chức khác có liên quan, người tiêu dùng và các chuyên gia;
b) Cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai của tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tổ chức hội nghị chuyên đề với sự tham gia của các bên có liên quan để góp ý về dự thảo. Thời gian lấy ý kiến về dự thảo ít nhất là sáu mươi ngày; trong trường hợp cấp thiết liên quan đến sức khoẻ, an toàn, môi trường thì thời gian lấy ý kiến có thể ngắn hơn theo quyết định của cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
c) Cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nghiên cứu tiếp thu ý kiến của tổ chức, cá nhân để hoàn chỉnh dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, lập hồ sơ dự thảo sau khi đã thống nhất ý kiến với bộ, ngành có liên quan về nội dung và chuyển cho Bộ Khoa học và Công nghệ để tổ chức thẩm định;
d) Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định tại Điều 33 của Luật này. Thời hạn thẩm định không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;
đ) Cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoàn chỉnh dự thảo và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày có ý kiến nhất trí của cơ quan thẩm định. Trường hợp không nhất trí với ý kiến thẩm định, cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương được quy định như sau:
a) Căn cứ kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đã được phê duyệt, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương;
b) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai của tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo quy chuẩn kỹ thuật địa phương; tổ chức hội nghị chuyên đề với sự tham gia của các bên có liên quan để góp ý về dự thảo. Thời gian lấy ý kiến về dự thảo ít nhất là sáu mươi ngày; trong trường hợp cấp thiết liên quan đến sức khoẻ, an toàn, môi trường thì thời gian lấy ý kiến có thể ngắn hơn theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu tiếp thu ý kiến của tổ chức, cá nhân để hoàn chỉnh dự thảo quy chuẩn kỹ thuật địa phương, lập hồ sơ dự thảo và gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 của Luật này để lấy ý kiến;
d) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 của Luật này.
3. Chính phủ quy định cụ thể hồ sơ dự thảo quy chuẩn kỹ thuật.
Nội dung thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
1. Sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan.
2. Tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
3. Việc tuân thủ các yêu cầu nghiệp vụ, trình tự, thủ tục xây dựng quy chuẩn kỹ thuật.
Hiệu lực thi hành quy chuẩn kỹ thuật
1. Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành sau ít nhất sáu tháng, kể từ ngày ban hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trong trường hợp cấp thiết liên quan đến sức khỏe, an toàn, môi trường, hiệu lực thi hành quy chuẩn kỹ thuật có thể sớm hơn theo quyết định của cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật.
3. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có hiệu lực thi hành trong phạm vi cả nước; quy chuẩn kỹ thuật địa phương có hiệu lực thi hành trong phạm vi quản lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quy chuẩn kỹ thuật đó.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ quy chuẩn kỹ thuật
1. Cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật tổ chức rà soát quy chuẩn kỹ thuật định kỳ năm năm một lần hoặc sớm hơn khi cần thiết, kể từ ngày ban hành.
2. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế quy chuẩn kỹ thuật được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 32 của Luật này trên cơ sở kết quả rà soát hoặc đề nghị của tổ chức, cá nhân.
3. Cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật huỷ bỏ quy chuẩn kỹ thuật theo trình tự sau đây:
a) Trên cơ sở kết quả rà soát hoặc đề nghị của tổ chức, cá nhân, cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tổ chức lập hồ sơ huỷ bỏ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xem xét hồ sơ và quyết định huỷ bỏ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ;
b) Trên cơ sở kết quả rà soát hoặc đề nghị của tổ chức, cá nhân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lập hồ sơ huỷ bỏ quy chuẩn kỹ thuật địa phương; xem xét hồ sơ và quyết định huỷ bỏ quy chuẩn kỹ thuật địa phương sau khi có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 của Luật này.
Thông báo, phổ biến, đăng ký, xuất bản, phát hành quy chuẩn kỹ thuật
1. Cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật có trách nhiệm sau đây:
a) Thông báo công khai việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật và việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn ít nhất là ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định;
b) Tổ chức phổ biến, hướng dẫn và triển khai áp dụng quy chuẩn kỹ thuật;
c) Gửi văn bản quy chuẩn kỹ thuật đến Bộ Khoa học và Công nghệ để đăng ký;
d) Xuất bản, phát hành quy chuẩn kỹ thuật.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ phát hành định kỳ hằng năm danh mục quy chuẩn kỹ thuật.
Trách nhiệm áp dụng quy chuẩn kỹ thuật
1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm áp dụng quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.
2. Trong quá trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phản ánh kịp thời hoặc kiến nghị với cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật những vấn đề vướng mắc, những nội dung chưa phù hợp để xem xét, xử lý.
Cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.
Nguyên tắc, phương thức áp dụng quy chuẩn kỹ thuật
1. Quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng bắt buộc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế – xã hội khác.
2. Quy chuẩn kỹ thuật được sử dụng làm cơ sở cho hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Nguồn kinh phí xây dựng quy chuẩn kỹ thuật
1. Nguồn kinh phí xây dựng quy chuẩn kỹ thuật bao gồm:
a) Ngân sách nhà nước cấp theo dự toán ngân sách hằng năm được duyệt;
b) Các khoản hỗ trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
2. Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí xây dựng quy chuẩn kỹ thuật.
Trên đây là những nội dung về thủ tục xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, nếu doanh nghiệp quan tâm tới hoạt động chứng nhận hợp quy thì có thể đọc thêm các bài viết tại website này.
TRUNG TÂM KIỂM ĐỊNH VÀ CHỨNG NHẬN VIỆT NAM