Đường ống nước sinh hoạt bằng nhựa nếu sử dụng phải hàng kém chất lượng lại sử dụng lâu năm sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe.
Hiện nay, bên cạnh hệ thống đường ống bằng thép mạ kẽm đã cũ kĩ từ nhiều thập niên trước thì nhựa chính là vật liệu phổ biến để làm ống dẫn nước cho các công trình dân dụng. Nó chủ yếu được sử dụng cho đường ống hệ thống cấp nước, thoát nước, ống xả và ống vệ sinh nước thải, hệ thống ống thoát nước ngầm, ống nước mưa và ống ren để lắp đặt dây cáp điện.
Tuy nhiên theo các chuyên gia phân tích thì cứ sau khoảng một năm sử dụng, nếu đường ống nước sinh hoạt không được làm sạch thì lượng cặn bám có thể dày từ 0.5 – 2mm, tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước sử dụng. Và chính những lớp cặn bẩn bám trong đường ống này lại là nơi cư trú lý tưởng cho các loại sinh vật và vi khuẩn gây hại cho sức khỏe con người. Nếu như sử dụng nguồn nước đi qua đường ống bị đóng cặn này sẽ có thể xuất hiện một số triệu chứng điển hình gây ngứa dị ứng, đau bụng, tiêu chảy, đau mắt đỏ…
Bên cạnh đó, nếu lớp cặn bám quá dày sẽ khiến cho lượng nước lưu thông kém. Thậm chí còn làm tắc nghẽn, hư hỏng đường ống nước và các thiết bị liên quan như: vòi nước, vòi hoa sen, bình nóng lạnh,… Điều này có thể gây bất tiện trong quá trình sử dụng và vô cùng tốn kém cho những khoản chi phí sửa chữa.
Ống cấp nước nhựa thường được làm từ nhựa tổng hợp (Polyester) và đa số không có chức năng tự làm sạch và diệt khuẩn. Sau một thời gian sử dụng, dưới tác động dòng chảy của nước, bên trong ống nhựa sẽ bị bào mòn tạo ra các gờ nhám, gây đóng cặn và tạo điều kiện cho vi sinh vật, rong rêu trú ngụ.
Xem thêm: Chứng nhận hợp chuẩn ống nhựa UPVC
Ngoài ra, việc thi công lắp đặt ống nhựa và các phụ kiện nhựa chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp hàn nhiệt đấu đầu, mối hàn không phải lúc nào cũng chính xác và bằng phẳng. Điều này sẽ tạo ra các gờ chắn, theo thời gian sẽ bồi đắp cặn bẩn, làm tổ cho các ổ vi sinh vật sinh sôi. Chưa kể, trong quá trình sản xuất ống nhựa, các nhà sản xuất thường thêm vào các chất phụ gia trong đó các hợp chất chì – chất ổn định nhiệt – được coi là các loại phụ gia nguy hiểm nhất.
Nước nhiễm chì có thể xâm nhập qua da hoặc đường tiêu hóa vào cơ thể con người làm suy giảm thính giác, suy giảm chức năng tế bào huyết học, gây chậm lớn, IQ thấp đối với trẻ em và nguy cơ sinh non, sẩy thai, giảm khả năng sinh sản đối với người trưởng thành.
Đường ống nước làm từ chì hoặc có hàm lượng chì vượt quá tiêu chuẩn có thể bị ăn mòn, chúng phát tán vào nước theo nhiều cách khác nhau. Nước có khả năng hòa tan cao nên có thể hòa tan một lượng chì nhỏ khi nó chảy trong đường ống. Từ đó, nước nhiễm chì có thể xâm nhập qua da hoặc đường tiêu hóa vào cơ thể con người làm suy giảm thính giác, suy giảm chức năng tế bào huyết học, gây chậm lớn, IQ thấp đối với trẻ em và nguy cơ sinh non, sẩy thai, giảm khả năng sinh sản đối với người trưởng thành.
Đối với đường ống nhựa kém chất lượng còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt gây ra các bệnh về tiêu hóa, da, mắt. Nếu mua đường ống kém chất lượng, bề mặt trong của ống sần sùi, không nhẵn mịn dẫn đến tình trạng cặn lắng, bám dính rong rêu ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.
Ống nhựa kém chất lượng thường làm từ nhựa tái sinh. Đây là nhựa được sản xuất lại từ nhựa thu gom. Ống nhựa được sản xuất từ nguồn vật liệu tái sinh không tốt sẽ có nhiều các thành phần như chì, asen (thạch tín)…ảnh hưởng đến chất lượng nước trong quá trình sử dụng. Đặc biệt, với nước nhiễm asen, dù chỉ với liều lượng nhỏ nhưng qua thời gian sử dụng lâu dài sẽ gây triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, giảm hồng cầu, bạch cầu, rụng tóc, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, đau mắt, viêm dạ dày, ung thư…
Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, để tránh tình trạng lắng đọng vôi hoặc rong rêu, cặn bã bám vào thành ống, người tiêu dùng hãy lựa chọn ống có bề mặt trơn, nhẵn và có khả năng diệt khuẩn như đồng hay inox. Mặc dù được đánh giá là vật liệu hoàn hảo nhưng chi phí của ống đồng quá cao, không phù hợp với điều kiện của phần lớn người dân Việt Nam.
Xem thêm: Chứng nhận hợp quy ống dẫn nước
Thay vào đó, inox đang được xem là vật liệu tối ưu hơn cả bởi không gây đóng cặn, không gây kết tủa chất độc hại, có khả năng diệt khuẩn, giữ nước luôn ở tình trạng tinh khiết mà chi phí lại rẻ hơn nhiều so với ống đồng. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm ở các quốc gia khác nhau cho thấy lượng kết tủa kim loại của inox nhỏ hơn 5% giá trị tiêu chuẩn được quy định bởi tổ chức WHO và “Luật nước uống Châu Âu”.
Xem thêm: Thử nghiệm ống dẫn nước
Hiện, inox đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới ứng dụng trong ngành ống dẫn nước, tiêu biểu như Trung Quốc, Italia… Tại Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp nào sản xuất sản phẩm ống nước bằng inox. Từ nhu cầu thực tiễn, đòi hỏi thời gian tới có những doanh nghiệp lớn trong nước tiên phong trong việc nghiên cứu sản xuất để đưa vật liệu này ứng dụng trong ngành ống dẫn nước, phục vụ các công trình dân dụng.
Theo VietQ
TRUNG TÂM KIỂM ĐỊNH VÀ CHỨNG NHẬN VIỆT NAM